Tên tiếng Việt: Rau má lông, Liên tiền thảo, Rau má thìa, Kim tiền thảo
Tên khoa học: Desmodium styracifolium (Osb.) Merr.
Họ: Fabaceae (Đậu)
Công dụng: Sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang, sỏi mật, hoàng đản, phong thấp, cảm cúm, ho, kinh nguyệt không đều, băng lậu bạch đới (cả cây sắc uống). Viêm tuyến mang tai, mụn nhọt.
Mô tả
- Cây thân thảo, mọc bò, sau đứng thẳng, cao 0.3 – 0.5 m. Ngọn non dẹt, có khía và lông tơ trắng. Lá mọc so le, gồm 1 (đa số) hoặc 3 lá chét hình tròn, dài 1.5 – 3.4 cm, gốc bằng hoặc hơi hình tim, đầu tù hoặc hơi lõm, mặt trên màu lục xám nhạt, có gân rất rõ, mặt dưới phủ lông màu trắng bạc, mềm như nhung; lá kèm có lông, có khía; cuống lá dài 1-2 cm, có lông.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thân thành chùm ngắn hơn lá; lá bắc sớm rụng; hoa màu hồng; đài 4 răng đều, có lông ngắn, tràng có cánh cờ hình bầu dục, các cánh bên thuôn, cánh thìa cong có tai; nhị 2 bó; bầu hơi có lông.
- Quả đầu hơi cong, hạt có lông.
- Mùa hoa quả: tháng 3 – 5
Phân bố sinh thái
- Trên thế giới, kim tiền thảo phân bố ở các tỉnh phía nam Trung Quốc, Lào. Ở Việt Nam, cây thường gặp ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du phía bắc, từ Nghệ an trở ra. Các tỉnh có nhiều kim tiền thảo là Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Tây, Hòa Bình…..
- Kim tiền thảo là cây ưa sáng, ưa ẩm nhưng cũng có thể hơi chịu được khô hạn. Cây thường mọc thành đám ở ven rừng, nhất là những nương rẫy mới bỏ hoang. Độ cao phân bố của cây thường là 600m. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, quả chín tự mở để hạt thoát ra ngoài. Về mùa đông, cây có hiện tượng rụng lá hoặc tàn lụi. Cây con mọc từ hạt thường xuất hiện vào tháng 4 hoặc đầu tháng 5.
- Do khai thác liên tục, đặc biệt 4-5 năm trở lại đây, nguồn kim tiền thảo ở Việt Nam giảm đi rõ rệt. Một số vùng trước kia có nhiều như huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Lập Thạch (Vĩnh Phúc) nay trở nên hiếm.
Cách trồng
Kim tiền thảo đang được nghiên cứu trồng ở một số nơi. Cây được nhân giống bằng hạt. Hạt kim tiền thảo chín vào tháng 9 -10. Khi quả chín vàng, thu về phơi khô, đập lấy hạt, bảo quản đến tháng 2 – 3 đem gieo ở vườn ươm, rồi đánh cây con đi trồng. Cũng có thể gieo thẳng theo rạch rồi tỉa bớt, định khoảng cách.
Làm đất:
- Ngoài đất đồi núi, bước đầu thấy có thể trồng kim tiền thảo trên nhiều loại đất ở đồng bằng. Đất cao ráo, thoát nước, không bị úng ngập là tốt. Đất cần được cày bừa, lên thành luống cao 20 – 25 cm, mặt luống rộng tùy ý.
Mật độ:
- Cây trồng hoặc gieo thẳng đều giữ khoảng cách từ 30 x 30 cm đến 30 x 40 m. Trước khi trồng, nên bón lót cho mỗi hecta 10 – 15 tấn phân chuồng.
Chăm sóc:
- Sau khi trồng, cần tưới đủ ẩm, làm cỏ, xới xáo vài ba lần, đến khi cây bò lan phủ kín mặt luống. Cũng thời gian này, cần bón thúc cho mỗi hecta 150 – 200 kg ure, chia làm 2 lần để tưới.
- Kim tiền thảo ít khi ít bị sâu bệnh. Sau khi thu hoạch, có thể dùng phân mục, tro bếp, đất bột phủ lên mặt luống, sang xuân từ gốc lại mọc lên chồi mới.
Bộ phận dùng
Phần trên mặt đất thu hái vào mùa hạ, thu, loại tạp chất, phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hóa học
- Flavonoids: Kaempferol, quercetin, astragalin, vicenin 1, vicenin 2, vicenin 3, schaftoside, isoschaftoside, vitexin, isovitexin
- Alkaloids: Desmodimine, desmodilactone,…
- Terpenoids: Lupeol, soyasaponin I, soyasapogenol B, soyasapogenol E, …
- Ngoài ra còn có: các hợp chất Steroides, Phenolic acid, Polysaccharid, Tinh dầu dễ bay hơi.
- Kim tiền thảo thu thập được ở Việt Nam có fIavonoid 0,46 % và saponin 3,1 %.
Tính vị, công năng
Kim tiền thảo có vị ngọt, tính mát, vào các kinh: can, thận, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, lợi tiểu.
Công dụng
- Kim tiền thảo được dùng chữa suy thận, sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, viêm gan vàng da, viêm thận phù thũng, nhiệt lâm, thạch lâm
- Liều dùng hàng ngày: 15 – 30 g, sắc nước uống.