Tên tiếng việt: Đương quy tàu, Vân quy, Tần quy
Tên khoa học: Angelica sinensis (Oliv) Deils
Họ: Apiaceae (Hoa tán)
Công dụng: Thuốc bổ máu, chữa bệnh thiếu máu xanh xao, gầy yếu, mệt mỏi; đau đầu, đau lưng, đau ngực, viêm khớp, chân tay tê nhức, táo bón, mụn nhọt lở ngứa, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh; còn dù
Mô tả cây
1. Đương quy Trung Quốc angelica sinensis)
- Cây thảo lớn, sống lâu năm, cao 40 – 60cm, có thể đến 1m khi cây có hoa. Thân hình trụ, có rãnh dọc, màu tím. Lá mọc so le, xẻ lông chim 3 lần, gốc phát triển thành bẹ to, đầu nhọn, lá chét phía dưới có cuống, lá chét gắn đầu lá không cuống, mép chia thùy và răng cưa không đều.
- Cụm hoa mọc ở ngọn hợp thành tán kép gồm 12 – 20 tán, dài ngắn không đều, hoa nhỏ màu lục nhạt.
- Quả bế dẹt, có rìa màu tím nhạt.
- Toàn thân nhẵn và có mùi thơm đặc biệt.
- Mùa hoa quả: tháng 7 – 8.
2. Đương quy Nhật Bản (angelica acutiloba)
- Cây thảo lớn, sống nhiều năm, cao 40- 80cm, không lông. Lá mọc so le, ở phía dưới có cuống dài 10 – 30cm, gốc có bẹ ngắn dạng máng, xẻ lông chim 1 – 2 lần, lá chét phân thùy hình mác dài 2 – 7cm, rộng 1 – 3m, có cuống ngắn hoặc không cuống, các thùy lại phân nhỏ, gốc hình nêm, đầu nhọn, mép có răng to sắc, lá ở phía ngọn tiêu giảm.
- Cụm hóa là tán kép, có cuống dài 5 – 20cm, gồm 25- 40 tán, tổng bao và tiểu bao giống nhau có lá bác dạng sợi, hoa nhỏ màu trắng lục nhạt, đài không có răng, tràng 5 cánh lõm ở dấu, nhị 5, bầu hình chóp ngược, có gân lồi.
- Quả bế đôi, hơi dẹt, có cạnh và gân lồi, gân ở mép rộng dạng cánh.
Phân bố, sinh thái
- Chi Angelica L. có khoảng 70 loài, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới Bắc bán cầu và New Zealand.
- Nhìn chung các giống đương quy đều có nguồn gốc ở vùng ôn đới.Cây được đưa vào trồng từ lâu ở Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản. Cây ưa khí hậu ẩm mát, đến mùa đông toàn bộ phần trên mặt đất tàn lụi, phần củ dưới mặt đất chịu đựng được băng tuyết và mọc lại vào mùa xuân năm sau.
- Đương quy trồng ở Việt Nam cũng phải lựa chọn thời vụ, sao cho mùa gieo hạt và sinh trưởng của cây trùng với thời gian có nhiệt độ thấp nhất trong năm.
- Cây trồng ở vùng đồng bằng ra hoa quả sớm hơn ở vùng núi cao (trên 1500m), những hạt giống này không được dùng đế sản xuất dược liệu. Đó là những lưu ý khi lựa chọn vùng đất trồng đương quy thích hợp ở Việt Nam.
Bộ phận dùng
- Rễ đương quy trồng được 3 tuổi, đào vào mùa thu, cắt bỏ rễ con, bổ thành bó nhỏ, xếp lên giá, đốt xông nóng (không đốt trực tiếp), cho đến khi dược liệu có màu đỏ tươi hay màu vàng kim tuyến, rồi sấy than. Theo kinh nghiệm nhân dân Trung Quốc, không phơi chỗ râm mát (đương quy có màu xanh) và cùng không phơi nắng (mất tinh dầu).
- Đương quy được phân thành nhiều loại: quy dâu gồm phần đầu của rễ chính, đường kính 1,5 – 4cm, đầu tù và tròn, còn mang vết tích của lá; quy thân là rễ đã loại bỏ phần đầu và đuôi; quy vĩ là phần rễ phụ hay rễ nhánh, đường kính 0,3 – 1cm và toàn quy gồm cả rễ cái và rễ phụ.
- Rễ to, thịt chắc, dẻo màu trắng hồng, nhiều tinh dầu, có mùi thơm đặc biệt, vị ngọt sau cay, là loại tốt.
Thành phần hóa học
Đương quy Trung Quốc chứa
- Tinh dầu 0,2 – 0,4%: tinh dầu đương quy là chất lỏng màu vàng sẫm, tỷ trọng ở 150 oC là 0,955.
- Coumarin
- Acid hữu cơ
- Polysachrid
- Acid amin
- Vitamin B1,B12,E
- Polyacetylen
- Sterol
- Nguyên tố vi lượng: Mg, ca, nhôm, Cr, Đồng, kẽm…
- Thành phần khác: brefeldin.
Đương quy Nhật Bản
- Tinh dầu ở rễ là 0.26%
- Lá đương quy Nhật Bản trồng ở Thanh Trì (Hà Nội) chứa 0,6 – 0,7% tinh dầu (so với khối lượng khô tuyệt đối).
- Lá đương quy Nhật Bản trồng ở Thái Nguyên chứa 0,64 – 0,88% tinh dầu.
- Coumarin
- Polysachrid
- Acid amin
- Polyacetylen
- Sterol
Tác dụng dược lý
1. Đương quy Nhật Bản di thực trồng ở Việt Nam có tác dụng:
- Có hoạt tính trên chức năng nội tiết sinh dục động vật cái, gây tác dụng kiểu oestrogen và progesterone yếu.
- Rễ và lá có tác dụng hướng sinh dục yếu trên chuột cống trắng cái non, tác dụng này không ổn định. Dược liệu không có tác dụng hướng sinh dục yếu trên chuột cống đực non.
- Rễ và hạt gây tăng trương lực và biên độ co bóp tử cung cô lập và tại chỗ của động vật thí nghiệm.
- Rễ có tác dụng tăng lực rõ rệt trong thí nghiệm chuột nhắt trắng bơi gắng sức.
- Rễ có tác dụng tăng sức đề kháng cơ thể động vật trong thí nghiệm gây độc với amoniac một cách rõ rệt.
- Rễ có tác dụng chống viêm đối với cả 2 giai đoạn cấp và mạn tính của phản ứng viêm thực nghiệm và không có tác dụng gây thu teo tuyến ức chuột non.
- Như vậy, đương quy có đặc điểm tác dụng chống viêm tương tự các thuốc chống viêm phi steroid, tác dụng chống viêm không kèm theo tác dụng ức chế miễn dịch.
- Độc tính cấp tính của rễ và hạt đương quy rất thấp. Rễ có độc tính cấp tính thấp hơn so với hạt.
2. Đương quy Trung Quốc có tác dụng:
Bài thuốc Tứ vật trong đương quy Trung Quốc đã được nghiên cứu trên bệnh thiếu máu thực nghiệm gây bằng acetat chì, có tác dụng làm tăng số lượng hồng cầu và tỷ lệ huyết sắc tố của động vật gây thiếu máu.
Tính vị, công năng
Đương quy có vị ngọt hơi đắng, hơi cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, thông kinh, dưỡng gân, tiêu sưng, nhuận tràng.
Công dụng
Đương quy là vị thuốc dùng rất phổ biến trong đông y, là đầu vị trong thuốc chữa bệnh cho phụ nữ, đồng thời được chỉ định trong nhiều đơn thuốc bổ và trị bệnh như thuốc chữa thiếu máu, đau đầu, cơ thể gầy yếu, suy tim, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, tê liệt, đại tiện táo bón, mụn nhọt lở ngứa, tổn thương ứa huyết, kinh nguyệt không đều, đau kinh, bể kinh (uống trước khi thấy kinh 7 ngày). Ngày uống 10 – 20g, dạng thuốc sắc hoặc rượu thuốc.
Trong Y học cổ truyền Trung Quốc và Nhật Bản, đương quy được dùng điều trị kinh nguyệt không đều, huyết ứ trệ, đau kinh, bể kinh, sa tử cung, chảy máu, phong thấp, mụn nhọt, táo bón, hói đầu, thiếu máu, lao phổi, tăng huyết áp, ung thư và làm thuốc giảm đau, chống co giật, làm ra mồ hôi, kích thích ăn ngon cơm. Phụ nữ uống nước sắc đương quy vài ngày tới trước khi đẻ sẽ dễ đẻ và giảm đau khi đẻ.